Năm 2018, Grab mua lại Uber, đánh dấu cho một cuộc cách mạng về gọi xe công nghệ, thay thế dần xe ôm truyền thống.
2018 – 2021: chúng ta có sự phát triển mạnh mẽ của các ví điện tử: Momo, ZaloPay, ViettelPay, AirPay, Moca và giờ là ShopeePay.
2020 – 2021: Dịch Covid khiến gần 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phá sản, tuyên bố dừng hoạt động. Các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngày 5/1/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu: Chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết tạo sức bật cho tăng trưởng giai đoạn tới. Nếu không chuyển đổi số kịp thời, có thể dẫn tới nguy cơ nền kinh tế tụt hậu.
Giới phân tích nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ thất bại.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số (Digital Transformation) ra đời và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số mô tả việc ứng dụng công nghệ số (Digitalize) vào tất cả các khía cạnh và hoạt động của đời sống.
Tham gia vào môi trường số có nghĩa là mỗi người sẽ có cả danh tính trong thế giới thật và trong thế giới ảo. Mỗi người cùng lúc sống trong hai thế giới, thế giới thực và thế giới số, cùng hiện diện và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, từ đó thay đổi cách thức sống, giao tiếp và làm việc.
Chỉ dành cho tổ chức và doanh nghiệp?
Với tổ chức và doanh nghiệp, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số chính là áp dụng công nghệ trong quản trị, vận hành doanh nghiệp. Điều này mang lại nhiều lợi ích như giảm thiểu thao tác thủ công để nâng cao hiệu suất lao động, cắt giảm chi phí vận hành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại. Qua đó, tính cạnh tranh của tổ chức được nâng cao, thay đổi tư duy quản trị và vận hành, giúp xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp: tập trung vào con người.
Khi khoảng cách là một cái chạm tay
Trong thời đại con người được bao quanh bởi công nghệ và trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ số vào các quy trình doanh nghiệp chỉ từ một thao tác chạm tay. Mở điện thoại, check-in bằng địa chỉ wifi và dựa trên hệ thống định vị, nhân sự có thể chấm công ở bất kì đâu. Bằng một cú click, cấp lãnh đạo từ nơi xa có thể phê duyệt hồ sơ giấy tờ một cách nhanh chóng. Chữ ký và hợp đồng điện tử thiết lập quan hệ hợp tác chuyên nghiệp và lưu trữ thông tin dễ dàng, bảo mật.
Từ suy nghĩ tới hành động
Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà là một xu hướng, một điều tất yếu sớm hay muộn sẽ xảy ra. Doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và bắt tay vào thực hiện quy trình này, từng bước ứng dụng các phần mềm quản lý vào các chức năng khác nhau như DMS, phần mềm KPI, phần mềm quản trị nhân sự, bên cạnh phần mềm kế toán vốn đã phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là chuyển đổi công nghệ. Đó còn là cả quá trình sử dụng để tạo ra, sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa cũng như trải nghiệm khách hàng hiện có. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường. Không ít doanh nghiệp với những dự án chuyển đổi số “đắp chiếu để đó”, dù đã đầu tư cả nguồn lực về vật chất và con người.
Vậy vì sao lại như thế? Liệu doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi số? Và chuyển đổi như thế nào cho phù hợp?
(còn tiếp…)