4 BÍ KÍP ĐỂ THU HÚT NHÂN TÀI CHO DOANH NGHIỆP

Xã hội phát triển, công nghệ lên ngôi, ứng viên cũng dễ dàng tiếp xúc với những cơ hội việc làm phù hợp hơn. Do đó, thị trường lao động cũng ngày càng trở nên cạnh tranh. Việc tìm kiếm nhân tài phù hợp cho doanh nghiệp không hề dễ dàng. 4 bí kíp thu hút nhân tài được chia sẻ dưới đây sẽ là gợi ý đắt giá, gỡ rối cho các nhà tuyển dụng.

Trong thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, việc tìm được nhân viên chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về công việc và tránh những rủi ro là một bài toán không đơn giản được đặt ra cho các nhà quản lý nhân sự nói riêng và cho doanh nghiệp nói chung. Thế nhưng, do sự phát triển mạnh mẽ của thời đại số, nhà tuyển dụng hiện nay đã không còn dành được thế chủ động trong việc tìm kiếm nhân tài nữa, mà việc này lại phụ thuộc tới 90% vào các ứng viên.

Vậy câu hỏi đặt ra là, muốn có được nhân tài phù hợp, doanh nghiệp phải làm gì? 4 bí kíp được chia sẻ dưới đây sẽ là lời giải đáp cho vấn đề trên.

1. Cải thiện nhận diện thương hiệu và trải nghiệm của ứng viên:

Có một điều chắc chắn rằng, những nhân tài khi chọn một doanh nghiệp để gắn bó lâu dài thì họ không chỉ chọn công việc mà họ yêu thích mà họ còn quan tâm đến cả những giá trị thuộc về doanh nghiệp đó. Do đó, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với một giao diện trực tuyến hấp dẫn chính là cách dễ dàng nhất để thu hút nhân tài về với doanh nghiệp của bạn.

Một số công cụ để quảng bá thương hiệu được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất hiện nay có thể kể đến như các mạng xã hội việc làm LinkedIn, fanpage hoặc có thể là chính website doanh nghiệp.

Khuyến khích xây dựng website có tích hợp các công cụ trực quan để nhân viên đăng tải video hoặc hình ảnh, văn hóa doanh nghiệp để thu hút nhiều ứng viên, giúp họ có một cái nhìn cận cảnh hơn về công ty mình sắp ứng tuyển.

Ngoài ra nhà tuyển dụng cũng nên dùng phương tiện truyền thông xã hội để kết nối và giao tiếp với ứng viên, tham gia vào những nhóm liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình hoặc thậm chí là lập những nhóm mới trên mạng xã hội, chia sẻ những hoạt động độc đáo của công ty, trả lời những bài đăng trên LinkedIn, Facebook… để thương hiệu trở nên gần gũi hơn.

2. Phản hồi nhanh cho ứng viên

Do đặc điểm cạnh tranh trong thời công nghệ như hiện nay, khi ứng viên có nhiều cơ tiếp cận với việc làm mong muốn hơn, việc tuyển dụng cũng phải chạy đua theo sự nhanh nhạy của thời đại. Do đó, việc phản hồi ứng viên càng nhanh sẽ càng tăng cơ hội tuyển dụng được nhân tài như ý trong thời gian sớm nhất.

Đa số những quyết định tiếp nhận ứng viên phải mất từ 3 – 6 tuần mới được đưa ra, trong khi những ứng viên giỏi thường chấp nhận lời mời đầu tiên đến với mình. Vì vậy, nếu không muốn nhân tài rơi vào tay đối thủ, nhà tuyển dụng cần đẩy nhanh quá trình này hơn nữa.

Hơn nữa ứng viên sẽ hài lòng và có ấn tượng tốt với những công ty đã phản hồi lại họ sau quá trình phỏng vấn, thậm chí có thể sẽ giới thiệu cho bạn bè về công ty đó khi thấy có tin tuyển dụng. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng với ứng viên, họ rất ít khi muốn quay trở lại phỏng vấn ở công ty mà không nhận được phản hồi ở lần trước đó.

3. Xây dựng chiến lược tuyển dụng hợp lý

Ưu tiên hàng đầu của các nhà tuyển dụng sẽ là xây dựng một chiến lược tuyển dụng hợp lý. Việc tuyển dụng nên được thực hiện nghiêm túc, nhưng có một ranh giới nhất định giữa tính chiến lược và sự cứng nhắc.

Những nhà tuyển dụng thường sẽ có sẵn một hình mẫu ứng viên lý tưởng trong đầu và việc tìm kiếm nhân tài cũng dựa theo các tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, hình mẫu đó không mang tính chính xác khi mà thực tế các tiêu chuẩn sẽ rất khác nhau và còn phụ thuộc vào từng nét văn hóa. Những kỳ vọng dành cho ứng viên nên mang tính thực tế cao và việc tuyển dụng nên dựa vào những tiềm năng mà họ có thể mang lại cho tổ chức.

Nhà tuyển dụng cũng không nên loại bỏ những ứng viên không đáp ứng được tất cả những kỹ năng được đòi hỏi. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tập trung vào những kỹ năng ứng viên đang sở hữu để xác định xem họ có thể được đào tạo thêm trong quá trình làm việc hay không. Chẳng hạn, nếu họ là người ham học hỏi và có khả năng thích nghi tốt với văn hóa doanh nghiệp thì vẫn xứng đáng được trao cơ hội.

4. Đào tạo nhân viên nội bộ công ty

Khi phát sinh một vị trí mới, thay vì lập tức đăng tuyển thêm nhân viên, nhà tuyển dụng nên xem xét những nhân viên cũ trong nội bộ công ty trước. Không chỉ tiết kiệm được tiền bạc, thời gian tuyển dụng, việc này còn giúp doanh nghiệp tận dụng sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của nhân viên cũ, đồng thời giảm thiểu khả năng nhân viên mới lại tiếp tục nghỉ việc khi thấy mình không phù hợp với công việc.

Khi có nhu cầu tìm thêm nhân sự, bằng cách thông báo cho nhân viên trong công ty biết trước khi công khai ra bên ngoài về những yêu cầu cũng như cách thức ứng tuyển, điều này sẽ tăng thêm lòng trung thành của nhân viên vì họ họ thấy mình nhận được sự tin tưởng từ ban quản lý.

Hy vọng với những cách mà chúng tôi gợi ý mang lại sẽ giúp ích cho nhà tuyển dụng có một cách nhìn nhận sâu sắc hơn về cách thức để chiêu mộ nhân tài hiệu quả, tiết kiệm.

Cuộn lên trên cùng