Đối với hầu hết các nhân viên, thỏa mãn với công việc có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp tạo ra thái độ làm việc tích cực, hăng say, cho ra kết quả cao trong công việc. Bạn muốn nhân viên của mình vui vẻ, năng động, và làm việc hiệu quả? Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo động lực làm việc cho nhân viên hiệu quả nhất?
OOS giới thiệu bài viết sau đây của Dave Lavinsky – trong đó là những chia sẻ kinh nghiệm của tác giả sau nhiều năm làm việc, nghiên cứu. Theo các bước đơn giản sau sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo động lực thúc đẩy nhân viên làm việc tích cực.
Qua nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, và làm việc với các công ty thuộc mọi quy mô, ngành nghề, tôi đã xác định được 16 cách quan trọng để tạo động lực làm việc cho nhân viên. Hãy tìm hiểu các phương pháp sau và áp dụng thường xuyên trong doanh nghiệp của bạn.
1. Giúp nhân viên cảm thấy họ đang làm những việc có ý nghĩa
Một cuộc khảo sát gần đây của BNET với câu hỏi, “Điều gì thúc đẩy bạn làm việc?”
Kết quả cho thấy làm một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng hơn tiền bạc hoặc sự ghi nhận đối với nhân viên của bạn. Hai mươi chín phần trăm số người được hỏi cho biết rằng làm một điều gì có ý nghĩa là động lực thúc đẩy nhất trong công việc. Tiền bạc chiếm 25%, và sự công nhận là 17%.
Vì vậy, cách đầu tiên để khuyến khích nhân viên của bạn là làm cho họ cảm thấy rằng họ đang làm một điều gì đó có ý nghĩa. Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu của công ty, đặc biệt kéo theo sự tham gia của nhân viên trong việc tạo lập chúng – sẽ thúc đẩy họ đạt được những mục tiêu và giúp họ cảm thấy rằng họ đang làm một cái gì đó có ý nghĩa.
2. Giao tiếp hiệu quả và chia sẻ thông tin
Bạn cũng phải thường xuyên chia sẻ những thông tin mới để đảm bảo rằng nhân viên của bạn đưa ra quyết định tốt.
Bạn luôn luôn phải cho nhân viên biết cách mà tổ chức đang tiến tới đạt mục tiêu. Thiết lập KPIs (các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) và thông báo kết quả KPI hàng tháng sẽ cho phép bạn đạt được điều này.
3. Cung cấp cho nhân viên bản mô tả công việc và trách nhiệm rõ ràng
Điều quan trọng là bạn cung cấp cho mỗi nhân viên bản mô tả công việc và trách nhiệm rõ ràng. Sẽ là không đủ nếu chỉ nêu trách nhiệm của mỗi vị trí, đúng hơn là, bạn phải chỉ rõ kết quả mong đợi và các nhiệm vụ. Ví dụ, mô tả vai trò của người quản lý dịch vụ khách hàng là có thể xử lý tất cả các cuộc gọi dịch vụ khách hàng trong nước. Kết quả mong đợi, tuy nhiên, có thể là trả lời cuộc gọi trong vòng ít hơn 15 giây, kết quả 90% sự hài lòng của khách hàng. Chỉ bằng cách xác định vai trò, kết quả dự kiến và trách nhiệm, bạn có thể có được những gì bạn muốn từ nhân viên.
4. Cho và nhận thông tin phản hồi kết quả làm việc liên tục
Khi mọi việc trở nên lạc hướng, đừng đổ lỗi. Bạn cần thay thế câu hỏi “Ai?” cho câu hỏi “Tại sao?”. Ví dụ, thay vì nói: “Ai làm ra thế này?” Nói, “Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện quá trình này hoặc tránh việc tương tự diễn ra trong tương lai?”
5. Tin – và bộc lộ – sự tin tưởng
Hầu hết con người có lòng tự trọng tương đối mong manh. Nếu bạn không tin tưởng nhân viên của bạn có thể làm một cái gì đó, họ cũng sẽ không tin rằng họ có thể, và họ sẽ không làm. Bạn phải có niềm tin vào họ. Bạn không thể chỉ nói rằng bạn có niềm tin: bạn cần bộc lộ để nâng cao sự tự tin của họ vào khả năng của chính mình.
Để đạt được điều này, cho nhân viên của bạn một số quyền hạn để tự đưa ra quyết định. Hãy cho họ quyền sở hữu đối với các dự án mang tính thử thách và quyết định làm thế nào để hoàn thành chúng. Mặc dù đó có thể là một thách thức cho bất kì người quản lý nào, bạn phải để cho họ thất bại đôi lần và không tức giận vì điều đó.
6. Lắng nghe, tập trung, và tôn trọng nhu cầu của nhân viên
Bạn có thể biết đến điều này trước đây, nhưng nó có giá trị lớn nếu lặp đi lặp lại trong kỹ năng lãnh đạo, lắng nghe quan trọng hơn là nói. Tôi thích câu trích dẫn: “Đoàn kết khi hỏi. Chia ra để trả lời”. Đặt câu hỏi với nhóm sẽ khiến họ tham gia, chỉ định các câu trả lời sẽ khiến họ hòa hợp.
7. Ghi nhận những nhân viên xứng đáng
Ghi nhận là một động lực tuyệt vời. Adrian Gostick và Chester Elton – tác giả cuốn sách “Nguyên tắc Cà rốt”, trong đó là một nghiên cứu hơn 200.000 nhân viên tiến hành trong khoảng thời gian 10 năm. Nghiên cứu cho thấy rằng các nhà quản lý thành công nhất cho nhân viên của họ sự công nhận thường xuyên và hiệu quả. Trong thực tế, họ thấy rằng các nhà quản lý nhận ra kết quả kinh doanh tốt lên đáng kể khi họ công nhận nhân viên trong các hình thức khen ngợi mang tính xây dựng chứ không phải là tiền thưởng.
8. Đãi ngộ công bằng
Trước tiên, bạn phải trả một mức lương mà các nhân viên cảm thấy hợp lý. Thứ hai, bạn phải trả thêm cho các công việc ngoài giờ. Điều này có nghĩa là bạn thiết lập những kỳ vọng cho mức lương cơ bản trong khi cũng có các khoản tiền thưởng và xác định rõ mục tiêu. Điều này sẽ buộc nhân viên phấn đấu để đạt được các mục tiêu mà bạn đã vạch ra.
9. Thúc đẩy Đổi mới
Quản lý phải nhận ra rằng phần lớn các sáng kiến đến từ các nhân viên liên quan trực tiếp. Họ là những người đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm hoặc thiết kế các dịch vụ, những người giao dịch với khách hàng, và những người đang giải quyết vấn đề hàng ngày. Như vậy, Đổi mới phải được khuyến khích.
10. Thiết lập các chính sách công bằng hỗ trợ các mục tiêu của Công ty
Phát triển các chính sách công bằng hỗ trợ các mục tiêu của Công ty sẽ giúp khuyến khích nhân viên của bạn. Ví dụ, bạn không thể cho việc tham dự một cuộc hội thảo là việc riêng cá nhân nếu bạn muốn khuyến khích học tập liên tục. Thay vào đó, đảm bảo các chính sách và hành động của bạn khuyến khích thông tin phản hồi của nhân viên, hợp tác, và ra quyết định.
11. Lấy thông tin đầu vào liên tục từ nhân viên
Bạn muốn nhân viên tham gia giúp thiết lập các mục tiêu để họ thực sự liên quan đến chúng. Lấy ý kiến thông tin từ nhân viên trong các quyết định, kế hoạch quan trọng.
Hiểu rằng, là người lãnh đạo, bạn sẽ đưa ra các quyết định, kế hoạch cuối cùng. Thậm chí thu hút phản hồi sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin và ý tưởng và khiên cho họ cảm thấy được sự tham gia.
12. Quản lý, nhưng không quản lý sát sao
Nhân viên không thích bị quản lý sát sao. Điều quan trọng là phân biệt sự khác nhau giữa điểm danh và kiểm soát nhân viên của bạn.
Tương tự như vậy, khi quản lý, không yêu cầu chi tiết làm thế nào để hoàn thành một dự án. Hãy nhớ rằng, các nhân viên không thể phát triển và đạt được những kỹ năng mới nếu bạn nói với họ chính xác làm cái gì cho tất cả các dự án mà họ làm. Họ cần một cảm giác tự chủ để cảm nhận rằng họ thành công.
13. Khuyến khích làm việc nhóm
Hầu hết các dự án bạn hoàn thành sẽ yêu cầu đầu vào từ một số nhân viên trong tổ chức của bạn. Khuyến khích các nhân viên làm việc như một nhóm chứ không phải là một nhóm các cá nhân để hoàn thành dự án. Cách dễ nhất để làm điều này là lập một cuộc họp ban đầu, giới thiệu họ như một đội, và cung cấp cho họ đủ quyền tự chủ để họ hoạt động như một nhóm.
14. Thay đổi phương pháp quản lý đối với các nhân viên khác nhau
Một số nhân viên có thể cần hoặc muốn dẫn dắt và huấn luyện, trong khi những người khác yêu cầu ít hơn. Điều quan trọng là hiểu mỗi nhân viên và xác định cách tốt nhất để lãnh đạo họ.
15. Cho nhân viên cơ hội phát triển bản thân
Bởi vì những người có cơ hội để phát triển các kỹ năng và chuyên môn sẽ tự hào về công việc, bạn nên khuyến khích các nhân viên trong tổ chức đạt được những kỹ năng mới. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, chẳng hạn như cung cấp các Chương trình đào tạo và các cơ hội khác để phát triển những kỹ năng mới.
16. Sa thải khi cần thiết
Công cụ cuối cùng để động viên nhóm của bạn là sa thải nhân viên khi cần thiết. Nhân viên kém có thể giết chết cả một tổ chức. Khi nhân viên khác nhìn thấy những cá nhân này vẫn được tiếp tục với năng suất thấp, họ cũng sẽ bắt đầu hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, sa thải – miễn là bạn giải thích lý do tại sao – thực sự có thể khuyến khích nhân viên của bạn.
(Theo Dave Lavinsky, lược dịch từ Fast Company)