Theo Forbes, 70% nhân viên rơi vào tình trạng rảnh rỗi tại nơi làm việc. Các chương trình học tập và phát triển là một cơ chế quan trọng để tích cực thu hút và kích thích nhân viên. Nhìn lại chu kỳ giảm sút của các kỹ năng, những người làm việc trong một tổ chức có văn hóa học tập cao hơn 58% có khả năng có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Phát triển văn hóa học tập luôn là chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 khi mọi thứ thay đổi nhanh chóng.
Bản chất của quá trình học tập
Học hỏi là quá trình thay đổi, mở rộng nhận thức của con người thông qua sự thay đổi về thế giới quan và năng lực của chính chủ thể. Hiểu một cách đơn giản, đó là quá trình con người thay đổi cách mà con người nhận thức, suy nghĩ và hành động.
Quá trình học bao gồm 3 giai đoạn cơ bản, là nền tảng để các nhà quản lý đưa ra một số chiến lược xây dựng văn hóa học tập hiệu quả và toàn diện nhất:
- Giai đoạn 1: Thay đổi nhận thức, tiếp nhận những kiến thức để thấu hiểu
- Giai đoạn 2: Hành động, quan sát, thử nghiệm và ứng dụng vào thực tế
- Giai đoạn 3: Củng cố hệ thống tư duy, đánh giá chiêm nghiệm và tìm kiếm sự đổi mới, cải tiến
Mô hình văn hóa học tập hiệu quả
Trong một nền văn hóa học tập hiệu quả, nhân viên học những gì, bằng cách thức nào, tất cả được thúc đẩy bởi cơ hội học tập, năng lực và môi trường học tập phù hợp.
- Cơ hội học tập: Nhân viên có quyền truy cập vào giới hạn một số lựa chọn học tập có liên quan, không phải tất cả số lượng nhưng họ được quyền lựa chọn đa dạng các tri thức liên quan trực tiếp tới công việc, chuyên môn và lợi ích của mình.
- Năng lực học tập: Nhân viên biết cách học hỏi mọi thứ, không chỉ các kỹ năng và kiến thức chuyên môn, họ còn cần được đào tạo về cách thức học tập
- Môi trường học tập: một môi trường chung sôi nổi và tích cực luôn kích thích tinh thần học tập nhân viên, họ muốn được chia sẻ cùng nhiều bạn học, động viên tinh thần và có tính cạnh tranh lẫn nhau.
Để văn hoá học tập thành công và đem về nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nhân viên cũng cần xác định vai trò và yêu cầu cần thiết của các bên tham gia vào lộ trình xây dựng văn hoá học tập. Đó là sự phối hợp của tất đối tượng bao gồm: lãnh đạo cấp cao, trung tâm đào tạo, quản lý trực tiếp và học viên.
Một số chiến lược Xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp
Thay đổi cách nhìn nhận về việc học
Để phát triển văn hóa học tập trong doanh nghiệp, việc đầu tiên và cơ bản nhất là các thành viên trong đó nên nhìn nhận việc học tập và phát triển bản thân như một hành động tự nhiên và là nhu cầu tự cải thiện mà không phải một đầu việc bắt buộc phải làm. Mỗi cá nhân nên tự xác định những vấn đề mà mình yêu thích để tìm hiểu và tập thói quen cảm nhận sau mỗi thành công nhỏ, có thể đơn giản chỉ là biết thêm một chút kiến thức mới hoặc giải quyết xong một vấn đề nhỏ trong công việc.
Việc xác định mục tiêu, sở thích trong việc học cũng nên được áp dụng trong qua trình tuyển dụng nhân sự. Khi những người quản lý hiểu được những kỳ vọng về môi trường và lĩnh vực học hỏi của người ứng tuyển, họ sẽ lựa chọn được những người có thể gắn bó lâu dài với lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo
Những người lãnh đạo nên khuyến khích nhân viên của mình chủ động nói ra những ý tưởng mới, độc đáo của bản thân. Nên tránh sự phán xét hay quy chụp góc nhìn ngay khi ý tưởng mới được đề xuất mà nên dành thời gian để cân nhắc độ khả thi của nó. Đồng thời khi có thất bại, người lãnh đạo nên nhìn cả vào mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề, khích lệ tinh thần nhân viên và cố vấn để họ tiếp tục với những thử thách tiếp theo. Điều đó thể hiện thiện chí, tinh thần đổi mới và chấp nhận rủi ro, tạo động lực cho nhân viên đưa ra nhiều sáng kiến mới và không ngại đối mặt với những thử thách mới.
Kết hợp đa dạng và linh hoạt các hình thức đào tạo
Việc học tập của nhân viên không chỉ diễn ra qua hình thức lớp học chính thức, mà còn qua rất nhiều những dạng học hỏi khác nhau. Thông thường, càng những hình thức có độ tương tác hai chiều và tính ứng dụng từ thực tế thì càng có mức độ tác động và thay đổi nhận thức cao hơn. Sự linh hoạt trong kết hợp các hình thức đào tạo là xu thế trong thời đại công nghệ 4.0 và bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Có thể tham khảo mô hình phát triển năng lực 70-20-10 do Lambardo&Eichiger công bố:
70% học từ công việc:
- Được giao nhiệm vụ thách thức
- Có cơ chế hệ thống hóa, tiêu chuẩn hóa kinh nghiệm
- Luân chuyển công việc
- Làm Trưởng các dự án
20% Huấn luyện & dẫn dắt:
- Người Quản lý trực tiếp
- Huấn luyện viên, người làm mẫu
- Phản hồi hằng ngày
10% Đào tạo qua lớp học chính thức:
- Thông qua đào tạo trên lớp, sách vở và E-learning
Khuyến khích sự thay đổi và đánh giá chéo
Đánh giá chéo là công cụ đắc lực với các nhà quản lý để kiểm soát và phát triển năng lực nhân sự. Những nhận xét, đánh giá từ đồng nghiệp hay cấp trên là những thông tin khách quan để mỗi nhân viên nhận thức được ưu, nhược điểm của bản thân để có định hướng phát triển đúng nhất.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp có xu hướng mở rộng quy mô, các bộ phận sẽ phải ứng phó với nhiều vấn đề phức tạp hơn. Sự trao đổi liên tục sẽ giúp cho nhân viên có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức sẵn có từu những gnuwoif có kinh nghiệm, từ đó tiết kiệm thời gian nghiên cứu, xử lý vấn đề và góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống đánh giá năng lực
Các nhà quản lý nên xác định rõ những giá trị mà doanh nghiệp của mình đang hướng tới để đặt ra những tiêu chí về năng lực mà nhân sự cần phát triển. Từ đó xây dựng nên hệ thống đánh giá/đo lường hiệu quả công việc của nhân sự và độ gắn bó với công ty. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên có các chính sách lương thưởng cho sự phát triển tích cực của nhân viên để khuyến khích tinh thần học hỏi trong tổ chức. Một hệ thống đánh giá năng lực hiệu quả không chỉ là thước đo để đánh giá nhân sự mà còn là tiền đề cho doanh nghiệp xây dựng những kế hoạch phát triển dài hạn.
Hầu hết các ứng viên bị hấp dẫn bởi văn hóa doanh nghiệp nhưng có tới 33% những người mới tuyển dụng đã bỏ việc trong vòng 90 ngày và 32% trong số họ đổ lỗi cho văn hóa công ty. Văn hóa học tập đóng một vai trò quan trọng để xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp, không chỉ thu hút ứng viên mà còn giữ chân nhân tài. Con người là trung tâm của bất kỳ sự cải tiến nào, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đầu tư vào họ và tạo ra một văn hóa học tập. Để xây dựng một văn hóa học tập chủ động và xuyên suốt, bạn cần một chiến lược nhiều mặt kết hợp các phương pháp học tập phù hợp cho doanh nghiệp của mình.