Lương tháng 13 là một cụm từ không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên cụ thể lương tháng 13 là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả khoản lương này cho nhân viên hay không? Ngay bây giờ, các câu hỏi này sẽ được giải đáp chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!
Lương tháng 13 là gì?
Lương tháng 13 hay được gọi là khoản tiền thưởng hàng năm của công ty cho nhân sự, doanh nghiệp với mục đích khích lệ tinh thần làm việc của người lao động trong suốt 1 năm qua. Đây là chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp, công ty đưa ra để thu hút các ứng viên nộp hồ sơ vào tổ chức.
Tại Điều 103 Luật Lao động 2012 có quy định về tiền thưởng như sau:
“Tiền thưởng là khoản mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa trên 2 tiêu chí: Kết quả làm việc của người lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm đó”.
Do đó, lương tháng 13 sẽ căn cứ chủ yếu vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm, mức độ hoàn thành công việc và theo quy chế thưởng, phạt của công ty. Phụ thuộc vào từng đơn vị, doanh nghiệp, lương tháng 13 được sử dụng như một chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân nhân tài.
Cách tính lương tháng 13
Tình tới hiện tại, chưa có quy định chính thức nào về cách tính lương tháng 13. Thế nhưng, nhiều công ty, doanh nghiệp đang sử dụng những cách tính phổ biến dựa vào thâm niên, thời hạn làm việc của người lao động.
Với cách tính như trên, để nhận được lương thưởng tháng 13, hầu hết các doanh nghiệp sẽ đưa ra một số điều kiện đối với người lao động như:
- Người lao động là nhân viên chính thức, được ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, công ty. Thời hạn hợp đồng sẽ phụ thuộc vào từng tổ chức.
- Người lao động có thời hạn làm việc chính thức tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở lên tại tổ chức.
- Người lao động vẫn tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp, công ty đến thời điểm tính lương tháng thứ 13
Khi đáp ứng được điều kiện đưa ra, người lao động sẽ được nhận lương tháng 13.
Cách tính lương tháng 13 sẽ phụ thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp, thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, lương tháng thứ 13 sẽ được tính theo 1 trong 2 cách sau đây:
- Làm đủ 12 tháng: Lương tháng thứ 13 = 1 tháng lương
- Làm chưa đủ 12 tháng: Lương tháng thứ 13 được tính theo tỉ lệ tương đương, trường hợp này sẽ xét 2 trường hợp nhỏ sau:
+ Cùng 1 mức lương nhưng chưa đủ 12 tháng: Lương tháng thứ 13 = (Mức lương 1 tháng/ 12) * Số tháng làm việc
+ Làm đủ 12 tháng nhưng có thay đổi về về mức lương: Lương tháng thứ 13 = (Mức lương 1 tháng khi chưa thay đổi/12) * Số tháng làm việc với mức lương chưa thay đổi + (Mức lương 1 tháng sau khi thay đổi/12) * Số tháng làm việc với mức lương sau thay đổi
Đọc thêm: 5 bước xây dựng hệ thống lương 3P
Một số câu hỏi liên quan tới lương tháng 13
Lương tháng 13 luôn là chủ đề mọi người vô cùng quan tâm vào mỗi dịp Tết, do đó nhiều câu hỏi cũng được đặt ra.
Lương tháng 13 có bắt buộc không?
Theo Điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định về việc thưởng cho người lao động như sau: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Các quy chế về lương thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Căn cứ vào quy định hiện nay, lương tháng 13 (hay còn gọi là tiền thưởng) là khoản tiền do người sử dụng lao động quyết định, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động.
Lương tháng 13 có tính thuế thu nhập cá nhân không?
Theo điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân (Sửa đổi và bổ sung năm 2012 và 2014) có quy định về các khoản thu nhập chịu thế bao gồm:
(2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm:
- Tiền lương, tiền công và các khoản tiền mang tính chất tiền lương, tiền công
- Các khoản phụ và trợ cấp, trừ các khoản phụ và trợ cấp theo quy định
- Tiền thù lao dưới các hình thức
- Tiền thưởng (ngoại trừ khoản tiền thưởng có kèm danh hiệu được Nhà nước phong tặng, các giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, phát minh, tiền thưởng về việc phát hiện và khai báo hành vi vi phạm pháp luật với các cơ quan có thẩm quyền)
Do đó, Như vậy, lương tháng 13 là khoản thu nhập mang tính chất tiền lương, tiền công. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động hưởng lương tháng 13 sẽ phải trích một phần để đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định.
Lương tháng 13 có tính đóng bảo hiểm xã hội?
Theo điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động gồm mức lương, phụ cấp lương và cách khoản bổ sung khác theo quy định.
Còn khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có nói rõ, tiền tháng tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ, phúc lợi khác như:
- Tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, theo hướng dẫn ở Công văn 560/LĐTBXH-BHXH trả lời Ngân hàng Mizuho về việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tiền thưởng của người lao động bao gồm tiền thưởng lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm không làm căn cứ để tính đóng BHXH.
Từ những điều trên, ta có thể kết luận rằng lương tháng 13 của người lao động sẽ không phải đóng BHXH.
Đừng bỏ qua: Bậc lương là gì? Quy chế để nâng bậc lương người lao động cần nắm rõ
Lương tháng 13 được trả vào khi nào?
Lương tháng 13 là khoản thưởng mà doanh nghiệp trả cho người lao động vào cuối năm, thường là vào các dịp Tết dương lịch hoặc Tết Nguyên Đán. Thời gian trả lương tháng 13 sẽ phụ thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp và thỏa thuận giữa người lao động, doanh nghiệp.
Thông thường, lương tháng 13 sẽ được trả vào tháng 12 khi kết thúc năm dương lịch, một số doanh nghiệp có thể trả lương tháng 13 vào tháng 1 khi bắt đầu năm mới hoặc chia làm nhiều đợt trả trong năm.
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm trả lương tháng 13 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán để người lao động có tiền chi tiêu trong dịp nghỉ lễ.
Nghỉ việc trước tết có được hưởng lương tháng 13 không?
Việc trả lương thứ 13 theo quy định của pháp luật là điều không bắt buộc. Thế nhưng, sẽ có trường hợp doanh nghiệp sẽ trả lương thứ 13 sau khi hết tháng 12 Dương lịch.
Ở một vài công ty, doanh nghiệp sẽ áp dụng cách trả thưởng tháng 13 khác là thanh toán cùng đợt thưởng Tết âm lịch. Hoặc sẽ có một số doanh nghiệp, công ty sẽ gộp khoản thưởng này lại với nhau.
Vì thế, người lao động cần xem xét trong hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động về quy định trả thưởng lương tháng thứ 13. Với những trường hợp chưa làm đủ 12 tháng vẫn sẽ nhận được lương tháng 13 nếu trong hợp đồng có điều khoản về lương thưởng tháng 13.
Chắc hẳn qua những thông tin được cung cấp ở trên, người lao động đã hiểu rõ hơn về “lương tháng 13”. Khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động nên lưu ý các điều khoản trong hợp đồng để thỏa thuận mức thưởng có lợi nhất cho bản thân mình.
OOS Software có hơn 10 năm đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn. Liên hệ ngay để nhận tư vấn Phần mềm Nhân sự cho Doanh nghiệp của bạn.