Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Giống như một con người, văn hóa công ty được xem như là nhân cách của một tổ chức. Theo đó, văn hóa doanh nghiệp được định nghĩa bởi một tập hợp các giá trị như thái độ, tiêu chuẩn, mục đích, quy trình, niềm tin và hành vi tại nơi làm việc của mỗi thành viên và tổ chức của một doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp còn là tất những quy tắc thành văn và bất thành văn mà mọi người trong một tổ chức tuân theo. Văn hóa công ty của bạn là tất cả những gì bạn và đồng nghiệp của bạn nghĩ, nói và làm khi mọi người làm việc cùng nhau.
Đối với mỗi doanh nghiệp khác nhau, văn hóa doanh nghiệp cũng khác nhau. Nó được hình thành và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của tổ chức được kết hợp với các yếu tố như lãnh đạo của doanh nghiệp, mục tiêu, trở ngại, ngành, đặc điểm của lực lượng lao động và vị trí trên thị trường.
Cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh
- Xác định rõ mục tiêu, đích đến của tổ chức
Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn mới thành lập, để có được một nền văn hóa lành mạnh, trước hết phải xác định được rõ ràng những gì mà doanh nghiệp, tổ chức đang hướng tới, các giá trị lớn chung như tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của tổ chức (lý do tồn tại) và các giá trị đằng sau sứ mệnh đó.
Ngược lại, với một tổ chức đã có sẵn những nền tảng cốt lõi và mục tiêu hướng tới, hãy xem xét lại kỹ càng xem những điều đó có còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại không, để thực hiện bổ sung, chỉnh sửa nếu cần thiết.
- Tìm những người phù hợp
Văn hóa doanh nghiệp được hình thành và phát triển bởi những người có cùng chí hướng. Do vậy, để xây dựng và phát triển ngày càng lành mạnh, hướng tới mục tiêu tốt đẹp hơn thì việc tìm ra và tuyển dụng những nhân tài phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp cũng là một trong những bí kíp để xây dựng thành công một nền văn hóa lành mạnh cho doanh nghiệp.
- Giúp nhân viên mới cảm thấy được chào đón
Văn hóa lành mạnh luôn hướng tới những điều tốt đẹp, đó là nơi mà các nhân viên đều cảm thấy thoải mái, hứng thú và tự nguyện cống hiến với tinh thần cao nhất. Do đó, bất kể là nhân viên mới của công ty, hãy luôn giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng bằng tinh thần cởi mở, cho họ thấy mình luôn được chào đón và là một phần của tổ chức.
- Đặt ví dụ phù hợp
Khi các nhà lãnh đạo thể hiện các giá trị văn hóa của họ, tấm gương tốt mà họ nêu ra sẽ truyền xuống tất cả các cấp của tổ chức. Có rất nhiều cách để các nhà lãnh đạo thực hiện điều này, tùy thuộc vào những giá trị mà bạn đang vun đắp.
Ví dụ:
Để thúc đẩy sự minh bạch và tin tưởng: Trong các cuộc họp của công ty, các nhà lãnh đạo nên cởi mở và trung thực về những thách thức cũng như về những thành công của tổ chức.
Để thúc đẩy tinh thần đồng đội: Các nhà lãnh đạo nên hoan nghênh sự hợp tác trong các nhiệm vụ của riêng họ và sử dụng phần thưởng và sự công nhận để làm nổi bật những nỗ lực xuất sắc của nhóm.
- Tích hợp các giá trị của mỗi cá nhân vào các hoạt động hàng ngày
Văn hóa công ty chỉ hiệu quả khi nó mang lại sự gắn kết và chia sẻ, lan tòa những giá trị tích cực cho toàn doanh nghiệp. Để nó thực sự phát huy được hiệu quả này, mỗi người đều cần phải có ý thức tự gắn kết mình vào các hoạt động hàng ngày. Đứng trên cương vị một người lãnh đạo, các nhà quản lý luôn phải đi đầu làm gương để mọi thành viên khác noi theo.
- Trao phần thưởng và sự công nhận.
Sự công nhận đến từ các cấp lãnh đạo và tổ chức luôn là nguồn động viên lớn lao giúp những người lao động có được cảm hứng để làm việc, cống hiến với nhiệt huyết cao nhất. Trao thưởng một cách xứng đáng chính là một tronh những cách để thể hiện sự công nhận đối với nhân viên. Trong nhiều trường hợp, sự công nhận chỉ đơn giản với một lời khen ngợi, động viên đúng lúc.
- Theo kịp các thay đổi.
Một tổ chức vững vàng, có văn hóa lành mạnh là một tổ chức không bị tụt hậu về văn hóa cũng như công nghệ… Do đó, hãy đảm bảo rằng tổ chức của bạn luôn bắt kịp với sự thay đổi của xã hội về con người, công nghệ…
- Tăng cường phản hồi nhiều hơn
Sự phản hồi thường xuyên, kịp thời giúp cải thiện tình hình công việc một cách tích cực, nhanh chóng. Việc phản hồi thường xuyên còn giúp mọi thành viên trong nhóm của bạn thấy được sự sát sao, quan tâm đến tiến độ công việc với thái độ tích cực, từ đó thúc đẩy động lực làm việc tốt hơn, tinh thần gắn kết cao hơn. Do đó, phản hồi thường xuyên là một trong những biện pháp tích cực để xây dựng một nền văn hóa lành mạnh cho doanh nghiệp.
- Dành cho văn hóa sự quan tâm thường xuyên
Muốn có một khu vườn tươi tốt cần bỏ công chăm sóc nhiều ngày, thường xuyên. Cũng giống vậy, muốn có một nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh cần có sự đồng tâm, hiệp lực và sự cố gắng của mọi thành viên mỗi ngày. Và cũng không thể thiếu sự quan tâm thường xuyên của những người đứng đầu.
Một nền văn hóa lành mạnh cho doanh nghiệp sẽ tạo nên môi trường làm việc lý tưởng – nơi có sự gắn kết, sẻ chia và tinh thần làm việc tích cực, giúp nâng cao tinh thần cho cả một tập thể và gia tăng hiệu quả làm việc, giúp doanh nghiệp đó phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, cần được đẩy mạnh trong mọi tổ chức, doanh nghiệp.