10 cách tạo động lực cho nhân viên

Sở hữu được một nguồn nhân lực dồi dào và sẵn sàng hoàn thành tốt từng công việc được giao luôn là điều kỳ vọng của chủ doanh nghiệp. Nhưng trong mọi tổ chức, thuộc mọi lĩnh vực vẫn tồn tại không ít những cá nhân lao động với chất lượng thấp hơn năng lực thật sự của bản thân họ.

Dù cố gắng thuyết phục và tạo ra mọi điều kiện tốt nhất để thúc đẩy năng suất làm việc của họ, nhiều nhà quản trị vẫn không thành công. Nguyên nhân là ngay từ đầu, họ không xóa bỏ mọi ý nghĩ sai lệch dưới đây trong việc kích thích sự hưng phấn nơi cấp dưới.

Cho rằng đồng tiền là tất cả. Hẳn nhiên, nếu được trả công hậu hĩnh, nhân viên sẽ sẵn sàng làm tất cả vì bạn. Và nếu bạn mạnh tay chi tiền mua tặng những phần quà đắt giá để tưởng thưởng cho thành công mới đạt được, người nhận sẽ vô cùng hạnh phúc. Nhìn chung, cấp dưới luôn cố gắng làm việc cật lực vì theo đuổi ý nghĩ rằng sẽ được thưởng nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy cảm giác phấn khích vì thù lao cao tồn tại rất ngắn. Chỉ trong vòng sáu tháng, các nhân viên sẽ hoàn toàn quên mất giá trị của những phần quà họ được cấp trên tặng và thậm chí chỉ vài tuần sau khi nhận quà, tác động từ việc khen thưởng của cấp trên cũng trở nên lu mờ và kém dần hiệu quả.

Nên nhớ rằng việc xác nhận công trạng và vị thế của nhân viên mới là yếu tố kích thích thực sự có thể gia tăng thành quả làm việc. Chẳng hạn, với một nhân viên bán hàng xuất sắc, việc nhận được quà thưởng chẳng khác gì một khoản tiền hoa hồng được cấp trên sẻ chia, nhưng một lời khen từ cấp trên và sự tán thưởng từ mọi người chung quanh, cả đồng nghiệp lẫn khách hàng, sẽ hoàn toàn khác.

Nên khen ngợi khi nhân viên làm việc tốt và có sự cố gắng.

Do đó, hãy ban tặng cơ hội cho các nhân viên ưu tú cơ hội phát triển nghề nghiệp (nhận được thêm nhiều chức vụ và trách nhiệm hơn) hoặc mở rộng nghề nghiệp (hướng đến các chức trách khác nhau).

Bỏ mặc những xung đột.

Nhiều doanh nhân rất ngại liên lụy đến sự xung đột. Cũng vì lẽ ấy, hầu hết các ông chủ hay nhà quản trị thường chọn lựa cách bỏ qua hoặc gác lại một bên thay vì phải làm rõ trắng đen.

Một số nhà quản trị khác lại cho rằng quan tâm đến vấn đề của cấp dưới có thể sẽ khiến bản thân không hoàn tất công việc của chính mình nên tốt nhất là đừng xen vào. Song nếu cứ im lặng như thế và hoàn toàn vô tâm với những khuất mắc của nhân viên thì không chỉ không giúp ích được họ, mà về lâu dài sẽ tạo ra những rắc rối khó lường cho chính nhà quản trị.

Quan niệm rằng có những mẫu nhân viên chẳng thể nào hết mình vì công việc.

Đây là một sai lầm rất phổ biến. Sự thật thì tất cả mọi người đều có thể trở thành nhân viên tận tâm với nghề. Nhà quản trị có thể trông thấy ai đó đang chơi game trên máy tính hoặc đang gửi email cá nhân và có thể hiểu rằng cá nhân đó chẳng nhiệt tình và có trách nhiệm công việc.

Song cách nghĩ ấy có thể sai. Đôi khi người nhân viên đang “vi vu” kia lại rất năng nổ, nhưng sự năng nổ ấy lại không hướng trực tiếp đến công việc, do đó chẳng hề tạo năng suất cho công ty.

Thay vì nghĩ ngay đến việc tìm kiếm một cá nhân thay thế, điều thử thách đối với nhà quản trị là khám phá những yếu tố gì sẽ thực sự kích thích hưng phấn làm việc của nhân viên ấy và vận dụng với công việc thường nhật của anh ta.

Không cần thiết phải thúc đẩy tinh thần làm việc của những nhân viên nhanh trí và giỏi giang. Nhanh trí là một nét đặc sắc quan trọng trong nền văn hóa doanh nghiệp. Tất cả mọi ông chủ đều mong muốn có được những người nhanh trí, thông minh làm việc cho họ bởi vì họ học rất nhanh, thích nghi tốt và tạo ra năng suất cho tổ chức. Vì lẽ ấy, người chủ thường hay sai lầm khi cho rằng không cần thiết phải dành quá nhiều thời giờ để chăm sóc những cấp dưới như thế.

Có không ít những cá nhân tài giỏi mà không thể tìm ra động lực giúp mình thành công trong sự nghiệp, do đó dễ chán chường và tuyệt vọng.

Điều không may là sự thông minh và tinh thần năng nổ không phải lúc nào cũng đi cùng nhau.

Có không ít những cá nhân rất sáng dạ, tài giỏi mà không thể tìm ra động lực giúp mình thành công trong sự nghiệp, do đó họ thường có khuynh hướng dễ chán chường và tuyệt vọng. Kết quả là không tạo ra lợi nhuận lẫn năng suất.

Vậy nhà lãnh đạo sẽ làm gì? Hãy tạo ra một không gian cho phép và khuyến khích tất cả các nhân viên trở nên năng động, nhiệt tình hơn trong công việc. Đồng thời cần tìm hiểu rõ những công việc cấp dưới mong chờ được thực hiện như phần đóng góp giúp công ty vươn lên và cảm nhận được những điều hấp dẫn, lý thú trong công việc thường ngày của họ.

Mười cách thức để thúc đẩy sự phấn chấn của cấp dưới:

1.Khen ngợi nhân viên về hiệu quả làm việc tốt, dù họ chỉ mới làm được một nửa.

2.Nếu cấp dưới trở nên buồn chán với công việc hiện tại, hãy giúp họ tìm ra các lối đi mới, hướng đến một sự thỏa mãn cao hơn. Nếu có thể, hãy cân nhắc việc thăng chức họ dựa trên những cấp bậc thành tựu đã đạt được.

3.Nói rõ những mong đợi của bạn về các kết quả công việc.

4.Đảm bảo rằng công việc thường nhật của nhân viên gắn liền với nhiều nhiệm vụ khác nhau.

5.Làm cho mọi nhân viên thấy được tác động công việc của từng người đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc phần việc của những người xung quanh.

6.Cho nhân viên một cảm giác rằng phận sự của họ ý nghĩa ra sao.

7.Luôn luôn đưa ra ý kiến phản hồi và nhận xét cho nhân viên, cả tích cực lẫn tiêu cực.

8.Cho phép một cấp độ tự quản vừa phải đối với nhân viên dựa trên những thành tựu họ đạt được.

9. Gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu đối với công việc mà người nhân viên đang làm.

10. Mang đến cho mọi nhân viên các cơ hội thành công ngang nhau.

 

Cuộn lên trên cùng