BÀI TOÁN NHÂN SỰ MÙA DỊCH COVID – 19

Nhiều doanh nghiệp buộc phải dùng đến các phương án cắt giảm nhân sự, chuyển đổi mô hình để giảm bớt chi phí, cố gắng sống sót qua mùa đại dịch.
Dịch Covid-19 là một từ khoá xuất hiện với tần suất rất lớn trên các trang mạng xã hội và báo chí trong thời gian gần đây bởi những ảnh hưởng nặng nề của nó đến nền kinh tế. Trên Facebook, đoạn video quay lại cảnh nữ quản lý của một khách sạn nghẹn lòng tuyên bố đóng cửa và buộc phải cho nhân viên nghỉ việc được cư dân mạng nhanh chóng lan truyền. Trên các diễn đàn của những người làm nghề nhân sự, không ít bài viết chia sẻ việc công ty phải cắt bớt một vài nhân sự đã được đăng tải với mong muốn tìm việc cho họ tại đơn vị đang có nhu cầu.
Trên thực tế, ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc điều hành chi nhánh Hà Nội của Công ty tư vấn nhân sự First Alliances nhìn nhận, từ khoảng 1,5 tháng về trước cũng là thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhiều công ty đã bắt đầu hạn chế tuyển mới vì công việc sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Không để chi phí phát sinh trong khi doanh thu sụt giảm là điều trước hết cần làm.
Dự trù doanh thu trước đó hoàn toàn bị ảnh hưởng và trở nên khó đoán khi tình hình thị trường xấu đi do ảnh hưởng của virus Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải dừng hết việc tuyển mới đối với các vị trí, công việc từng được dự báo sẽ phát sinh để tính toán lại. Những chi phí khác như tăng lương cũng bị hạn chế. Ông Thắng cho biết, ở Singapore, nhiều công ty đã thông báo không có tăng lương, thưởng hay lên chức trong năm nay.
Đối với nhóm công việc cũ, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng… Một hãng lớn như Vietnam Airlines bây giờ cũng chỉ bàn đến câu chuyện dòng tiền để tồn tại mà không còn nói chuyện tới lợi nhuận. Hai mươi nghìn lao động ở trong và ngoài nước đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trước mắt với lao động người nước ngoài, Vietnam Airline đã làm việc để phi công sẽ nghỉ không lương trong khoảng hai tuần, đây là nhóm phi công có điều kiện riêng và mức lương cao. Người lao động Việt Nam tại nước ngoài nghỉ khoảng hai tuần đến một tháng. Trực tiếp tại Tổng công ty, lãnh đạo cấp cao trong HĐQT, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Lãnh đạo First Alliances cho biết, trên thị trường, có những doanh nghiệp cắt giảm khoảng một nửa số lượng nhân viên, mỗi người còn lại đảm nhận nhiều việc hơn. Bên cạnh đó, có những đơn vị chọn phương án giảm giờ làm; phương án này thường sẽ áp dụng với đối tượng nhân viên làm việc toàn thời gian trong khi công việc bán thời gian không còn.
Chẳng hạn, khi một nhà hàng phải giảm khoảng 30% chi phí lương thì có hai phương án lựa chọn. Một là cắt 30% nhân sự, hai là cắt tổng 30% giờ làm của nhân viên. Khách không có, không đủ tiền để trang trải chi phí mà vẫn muốn giữ người thì giảm giờ làm là một lựa chọn khá tối ưu đối với nhiều doanh nghiệp.
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây nên những khủng hoảng về nhân sự tại một số công ty hiện nay, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn không nhiều, chưa kể một số công ty phải đi vay và đang hoảng loạn tìm cách xoay sở. Ông Thắng cho rằng, một số doanh nghiệp lớn vẫn sẽ bị giảm doanh thu nhưng ít nhất vẫn có “cửa” để “sống” lâu hơn.
Gần đây, virus Covid-19 đang khiến người dân thay đổi xu hướng hoạt động và tiêu dùng. Việc học và làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử để không phải đến chỗ đông đúc đang là lựa chọn của rất nhiều người. Lúc này, một số ý kiến cho rằng nhu cầu nhân sự của các mảng này cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên theo ông Thắng, việc gia tăng nhân sự có thể xảy ra, nhưng chủ yếu ở bộ phận giao vận và một ít ở quản lý web.
“Nhu cầu là có nhưng nhu cầu thực tế có phát sinh hay không thì chúng tôi chưa ghi nhận”, ông Thắng nói.
Như vậy, xu hướng tiêu dùng thay đổi thì yếu tố tăng trưởng là doanh thu ở mảng kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp, còn nhu cầu nhân sự không ảnh hưởng nhiều. Nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng thì doanh nghiệp cần thêm người giao hàng trong khi quản lý đội xe hay của đơn vị đó vẫn không thay đổi.
Trước bài toán nhân sự mùa dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang có những cách ứng xử khác nhau, tuỳ đặc thù từng công ty, mà không có tiếng nói chung của những người trong ngành.
Có những doanh nghiệp cắt luôn nhân sự ngay khi có dấu hiệu xảy ra khủng hoảng để đảm bảo ít nhất không bị mất tiền, chỉ cần chờ dịch qua đi. Có những bên thì cắt dần. Có những đơn vị thực hiện chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang trực tuyến.
Có những doanh nghiệp thì tiếp tục duy trì, tập trung hút khách với hy vọng nếu qua được giai đoạn khó khăn này thì sẽ phát triển hơn so với mặt bằng chung. Hoặc có những bên mạnh hơn nữa thì đi mua lại các doanh nghiệp khác.
Đối với các trường hợp phải cắt giảm nhân sự, vì thị trường chung đang khó khăn nên nhìn chung, người lao động có thể phần nào hiểu được. Tuy nhiên, câu chuyện cần lưu ý là ban lãnh đạo nên xem xét cách trao đổi, truyền đạt với nhân viên để họ thực sự thấu hiểu. Có những doanh nghiệp thực sự tử tế và quan tâm đến người lao động thì còn gặp mặt để chia sẻ, cho nghỉ việc có trợ cấp và thậm chí là tìm việc mới cho nhân sự thay vì cắt giảm “thẳng tay”.
Trong thời điểm hiện nay, có ý kiến cho rằng đây là lúc để doanh nghiệp tận dụng thời cơ, tuyển dụng người giỏi với những điều kiện “dễ thở” hơn. Việc này theo ông Thắng là có, tuy nhiên sẽ không dễ dàng. Vì thứ nhất, nếu phải cắt giảm nhân sự thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không chọn người giỏi là những người có thể giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thứ hai, với một nhân sự giỏi thì câu chuyện chuyển việc sẽ được họ cân nhắc và tìm hiểu rất kỹ. Khi thị trường nói chung đang gặp khó thì việc xác định làm việc cho bên nào sẽ tốt và ít rủi ro hơn là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, những người giỏi đã có cơ hội phát triển tại một doanh nghiệp sẽ có xu hướng gắn bó và có tinh thần trách nhiệm cao.
Nguồn: Sưu tầm
Cuộn lên trên cùng